Nhiều người cho rằng nghề đúc đồng nơi đây được hình thành khi người Việt trên hành trình mở mang đất nước về phương Nam đã dừng chân lại vùng đất Long Điền để an cư lạc nghiệp, dần dần các nghề thủ công được hình thành trong đó có nghề đúc đồng. Giai đoạn năm 1961-1965 là thời kỳ vàng son của nghề đúc đồng, được rất nhiều người yêu thích.
Các sản phẩm đồ đồng được làm ra rất đa dạng gồm các đồ thờ cúng gia tiên, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, cho đến các loại chuông. Sản phẩm đồ đồng nơi đây đều rất bền và tinh xảo nên được các thị trường ở Nam Bộ yêu thích. Trước đây cứ vào khoảng từ tháng 7 âm lịch cho đến tết nguyên đám hàng năm, không khí đúc đồng nơi đây trở nên rất nhộn nhịp. Những bếp bắt đầu nổi lửa để nung đồng nóng chảy, những người nghệ nhân cặm cụi tạo ra các hình vẽ trên khuôn đúc, công đoạn làm khuôn luôn chiếm nhiều công sức và mất nhiều thời gian nhất.
Để tạo ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh là cả một quá trình lao động vất vả và công phu bao gồm rất nhiều bước từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đồng, tạo lò đốt nung chảy, tạo khuôn đúc, đun nóng chảy đồng, rót đồng đổ vào khuôn đúc và đánh bóng, hoàn chỉnh sản phẩm. Đối với các sản phẩm về nhạc khí như chuông đồng, đòi hỏi người làm phải có tay nghề rất cao từ việc pha trộn tỷ lệ đồng để tạo ra những âm thanh trầm bổng, ngân vang. Sau đó là việc trang trí các họa tiết trên sản phẩm, đây là những kinh nghiệm phải trải qua nhiều đời mới tích lũy được. Hiện nay chỉ còn những người dân xóm Chuông (thị trấn Long Điền) và ấp An Trung (xã An Nhất) vẫn kiên trì làm và phát triển nghề đúc đồng. Một phần bởi nhu cầu các sản phẩm đồng không còn nhu cầu cao như trước đây, và có rất nhiều các chất liệu thay thế đồng để làm ra các sản phẩm.