Làng chài Phước Hải theo nhiều người cao tuổi trong làng kể rằng làng chài đã được hình thành cách hàng trăm năm trước. Lúc đầu làng chài chỉ có vài hộ dân đi biển, sau dần nhận ra khu vực này có nguồn hải sản phong phú, dễ đánh bắt nên sau đó đã hình thành một khu làng chài nhỏ. Đi dọc bờ biển bạn sẽ thấy có rất nhiều thuyền thúng được người dân làng chài để trên bãi cát bên làn nước biển xanh biếc. Vùng biển Phước Hải không chỉ nổi tiếng với nguồn hải sản vô cùng phong phú mà người dân vùng biển này còn được biết đến với tính cần cù, chịu thương chịu khó nên du khách sẽ không khó để thấy từ sáng sớm đến chiều muộn tại bờ biển Phước Hải luôn nhộn nhịp cảnh ngư dân làm việc. Mỗi người một công việc, người thì ngồi đan lưới, người thì sửa lại những chiếc thuyền để cho những chuyến đi biển tiếp theo. Hoạt động đánh bắt, mua bán cá của ngư dân nơi đây diễn ra rất sôi động và náo nhiệt vào sáng sớm, nơi mà những con thuyền đầy ắp cá tôm trở về sau một đêm dài trên biển.
Làng chài Phước Hải là nơi cung cấp hải sản, nước mắm và khô nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đa số người dân làng chài làm nghề đánh bắt cá và phơi khô cá. Đi đọc một số dãy nhà ở làng chài, bạn sẽ thấy rất nhiều gia đình phơi những mẻ khô cá trước sân. Những con khô cá thường được người dân chọn kỹ lưỡng, sau đó làm sạch, ướp muối hay một số gia vị, để ngấm một thời gian rồi đem phơi. Món khô cá làng chài Phước Hải đã được rất nhiều người yêu thích, không chỉ người dân Vũng Tàu mà nhiều du khách các vùng đến đây mua về ăn đều khen ngon, một miếng khô cá cùng chén cơm trắng nóng hổi ăn trong những ngày trời mát thật là một cảm giác tuyệt vời.
Khu vực làng chài Phước Hải còn nổi tiếng với món nước mắm Phước Hải. Nước mắm nơi đây không nổi tiếng như mắm Phú Quốc nên số lượng nước mắm người dân làng Chài làm ra cũng ít hơn, chỉ đủ phục vụ cho những người trong vùng nhưng mắm Phước Hải luôn mang cho mình hương vị rất riêng, đậm đà, không quá mặn và luôn có chút vị ngọt của cá. Nguồn nguyên liệu làm mắm chủ yếu là cá cơm, cá trích, cá lạch huyết, thời điểm bắt đầu làm những mẻ mắm mới thường diễn ra vào tháng 7 đến tháng 10 đây là thời điểm có nguồn cá vô cùng dồi dào, nước mắm làm trong thời gian này luôn đạt chất lượng cao nhất.
Ở khu làng chài có khu đền thờ cá ông. Khu Dinh Ông nằm ở phía biển, nơi có nhiều ngôi mộ cá ông nhất, có khoảng hơn 100 ngôi mộ cá ông được xem như khu nghĩa địa cá ông lớn nhất ở Việt Nam. Cá ông ở đây chính là loài cá voi, loài vật hiền lành luôn giúp đỡ người dân biển mỗi khi những chiếc thuyền gặp mưa bão, gió to sóng lớn. Chính vì vậy, ở rất nhiều ngôi làng ven biển ở Việt Nam đều có tục thờ cá ông. Kết thúc chuyến tham quan, bạn hãy nhớ tìm và thưởng thức món canh cá tương me, một món ăn dân dã ở đây nhưng đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt của cá tươi, vị chua của me và vị mặn của tương. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn rất ngon, mà nếu bạn có dịp đến đây du lịch nhất định phải thưởng thức món ăn này.