Châu Á

Bảo tàng Y Học Cổ Truyền

icon-location41 Hoàng Dư Khương, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
Nép mình giữa đô thị sầm uất, nhộn nhịp của TP. Hồ Chí Minh, Bảo Tàng Y học cổ truyền Việt Nam-FiTo tọa lạc ở một góc đường yên tĩnh tại quận 10. Đây là bảo tàng về y học cổ truyền ra đời đầu tiên ở Việt Nam và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bảo tàng Y học cổ truyền tư nhân đầu tiên ở Việt Nam” vào năm 2008. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến địa điểm độc đáo này.

Nằm trên một con phố nhỏ ở Quận 10 thành phố Hồ Chí Minh đường Hoàng Dư Khương, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam không chỉ là nơi lưu trữ hàng ngàn hiện vật của ngành y học cổ truyền Việt Nam mà còn là điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách muốn tìm hiểu về ngành y học cổ truyền của dân tộc.

Ông Lê Khắc Tâm làm việc trong ngành dược phẩm và có niềm đam mê khám phá, tìm tòi về ngành y học cổ truyền Việt Nam. Từ lúc còn trẻ, ông Tâm đã có lòng nhiệt huyết, yêu nghề và gắn bó với ngành thuốc cổ truyền. Nhận thấy rằng đây không chỉ là nghề chữa bệnh mà còn chứa đựng rất nhiều những giá trị văn hóa của người Việt Nam, từ đó mà ông ấp ủ cho ra đời một bảo tàng về nghề y cổ truyền. Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu và xây dựng thì đến năm 2007, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam được đưa vào hoạt động.

Nhìn từ bên ngoài, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam không quá nổi bật trên diện tích khiêm tốn khoảng 600 m2 nhưng khi vào bên trong du khách sẽ thấy được cả một giá trị văn hóa quý báu mà người chủ đã dày công xây dựng. Được biết, các nội thất nơi đây được tận dụng từ một ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Những nghệ nhân đã tháo dỡ các cột trụ, gạch đá để đưa vào TP.HCM và tái hiện lại nội thất truyền thống của một ngôi nhà Việt Nam kiểu xưa. Từng viên gạch, mái ngói, cột nhà đều được chăm chút rất tỉ mẩn, cùng với bộ sưu tập dày công các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử lâu đời.

Bảo tàng hiện là nơi trưng bày của hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá cho đến nay như: dao cầu, thuyền tán dùng để cắt thuốc, tán thuốc có tuổi đời khoảng 2.500 năm, trong đó có một số dao cầu được mang về từ quê hương của thiền sư Tuệ Tĩnh và đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác.
Bộ sưu tập cân, giã thuốc khá đặc sắc gồm các hiện vật như chày cối, cân ta, cân Tây, bào thuốc, ván gỗ, triện gỗ để in hóa đơn thuốc và toa thuốc. Bộ chày, cối bằng đá của người Việt cổ dùng để bào chế thuốc.

Đến bảo tàng, du khách còn chiêm ngưỡng tác phẩm Việt Nam Bách gia y được chạm bằng gỗ, ghi tên tuổi 100 vị danh y và những người có công với nền y học cổ truyền Việt Nam từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20. Độc đáo nhất là bức tranh cẩn xà cừ mô tả về y học cổ truyền trong cuộc sống cộng đồng người Việt với phố Thuốc Bắc, chợ Bến Thành, kinh thành Huế và hồ Gươm đã được ghi vào Guinness Việt Nam.... Chủ nhân bảo tàng này cũng đã dày công hệ thống hóa nhóm các cây thuốc, động vật, khoáng sản làm thuốc rất bài bản, khoa học.

Sau một vòng viếng thăm, bạn có thể tham gia trực tiếp vào quá trình bào chế thuốc như cắt thuốc, tán thuốc, nếm thử vị thuốc và các dịch vụ về khám chữa bệnh đông y, bán thuốc tại đây.