Châu Á

“Xứ trắng” thương nhớ

icon-locationBình Liêu - Quảng Ninh - Hạ Long
Vào mùa lau trắng nở khắp các sườn đồi trập trùng ở Bình Liêu, chúng tôi đặt chân đến đây với bao điều háo hức được khám phá vùng đất địa đầu phía đông bắc của Tổ quốc. Nơi đây không chỉ hùng vỹ, thiêng liêng mà còn ẩn chứa những sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa…

Hương Quỳnh - VietnamAirlines Heritage

Một Bình Liêu đậm đà bản sắc hiện lên qua màu áo của mỗi dân tộc, qua các tập quán sinh hoạt hay những nghề truyền thống được bà con lưu giữ đến hôm nay.

Sau khi thỏa thích ngắm những triền lau trắng mênh mang, trekking tới thác Khe Vằn, đón bình minh mây phủ trên đỉnh Cao Ly, chúng tôi ngỏ ý với anh bạn người bản địa mong muốn trải nghiệm ở nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ những nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt và sản xuất. Vậy là rất nhanh, cả đoàn lên đường tới xã Húc Động (huyện Bình Liêu), nơi bà con người Sán Chỉ vẫn đang tiếp nồi nghề truyền thống làm miến từ củ dong riềng.

Từ xa, bóng áo xanh váy đen – trang phục đặc trưng của phụ nữ Sán Chỉ đã ẩn hiện giữa núi đồi và thấp thoáng giữa những phên tre phơi miến. Không khí miền cao se lạnh nhưng nắng chan hòa. Cái lạnh khô và nắng ấy phù hợp với công đoạn phơi miến tự nhiên để cho ra được những mẻ thành phẩm chất lượng.

Có đến đây tìm hiểu mới càng thêm yên tâm vì nguồn nguyên liệu và cách chế biến của bà con Sán Chỉ. Thứ duy nhất để làm miến chính là tinh bột dong riềng. Cùng với cây lúa, cây dong riềng được người dân Bình Liêu trồng trên đồi nương. Tuy đất đai có phần cằn cỗi nhưng loài cây này vẫn phát triển rất tốt, cho những củ dong nằm sâu dưới đất có mùi vị dịu nhẹ, đặc biệt nhiều bột, ít xơ nên khi chiết xuất ra lượng tinh bột được nhiều. Trước kia, tinh bột dong riềng được sản xuất thủ công qua nhiều công đoạn nhưng ngày nay, máy móc đã hỗ trợ tốt nên bà con không còn vất vả. Thêm vào đó, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo trong quá trình nghiền củ dong và lọc bột dong. Những kinh nghiệm sản xuất lâu năm giờ được phát huy ở khâu pha bột, tráng bột và phơi miến. Kỹ thuật pha và tráng bột quan trọng hàng đầu để cho những mẻ bánh tráng dày đều, không bị rách. Đây cũng là bí quyết riêng của từng hộ sản xuất.

Những miếng bánh tráng to ngay sau đó được đưa lên phên tre hong phơi ngoài trời. Quy trình phơi miến phụ thuộc vào thiên nhiên là chính nên bà con nơi miền cao này quý cái nắng, cái gió trong từng giờ, từng buổi. Đủ nắng, đủ gió, đủ quy trình lật đảo, những miếng bánh tráng được xếp vào máy thái để cho ra những sợi miến dài đều nhau. Cuối cùng là khâu đóng gói thành phẩm vào từng túi 1kg chờ xuất ra thị trường.

Cũng nhờ có vùng nguyên liệu trồng trọt an toàn theo hướng hữu cơ truyền thống, sản lượng dồi dào nên miến dong của xã Húc Động nói riêng và huyện Bình Liêu nói chung đã vươn xa khắp nơi. Thu nhập của bà con vì thế được cải thiện nhiều. Miến dong Bình Liêu đã ngày được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn với đặc tính nổi trội của sợi miến là thơm ngon, tơi giòn, không bị trương nát khi nấu lên. Miến dong Bình Liêu cũng là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh.

Chúng tôi đùa gọi Bình Liêu là “xứ trắng” khi sắc màu này gắn với nhiều điều đáng nhớ nơi đây: mùa lau trắng thơ mộng khắp núi đồi, màu mây trắng bồng bềnh trên đỉnh Cao Ly, mùa hoa sở trắng bung nở tinh khôi và sản vật miến dong với những sợi trắng trong mang hương vị mộc mạc của núi rừng.