“Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết thì tra Google”
Trong lúc trà dư hậu tửu, bạn Tiến Sài gòn có đố tui. “ Ông biết nhà tui ở đường Trần Quý Cáp- Nha Trang. Đố bạn, Ông Trần Quý Cáp bị chém ở đâu ? “ .
- Chém ở cổ
- Chém ở Thành
- Chém ở Lưng
- Cả 3 câu trên đều không đúng
“Thành” là tên gọi ngắn gọn mà dân Nha Trang dùng để chỉ về Thành Diên Khánh.
“Lên Thành chơi mày ?” hồi nhỏ tui được bạn Lực rủ về quê bạn chơi. Rồi tui tụi (đang học lớp 7-8) đạp xe hơn 10 km về Thành, quê của bạn Lực đi bắt dế, hái xoài và được ăn 1 trong những bữa trưa ngon nhất trong đời (cơm gạo trắng phau với đậu đũa xào thịt heo) – chắc thời đó được ăn cơm là thấy ngon rồi ☹. Thời đó còn nhỏ chỉ biết Thành là vậy.
Thành Diên Khánh được xây bởi Chúa Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1793. Thời đó Nha Trang là khu vực ngoại ô. Sau này người Pháp đến mới xây lên thành phố Nha Trang (trước năm 1975 ở Nha Trang đường phố gắn liền với các tên tướng, nhân sĩ thời vua Gia Long : Hoàng Tử Cảnh, Trịnh Phong, Trần Quý Cáp …). Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), kinh thành Huế và thành Diên Khánh (Khánh Hòa) là ba thành cổ còn tương đối nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu ở nước ta.
Thành sau năm 1975 “được” dùng làm nơi trú quân của Quân ta. Đến năm 2014, sau khi trả lại để trở thành di tích lịch sử thì Thành chỉ còn “cái thành”. Tiếc thật.
Đến Thành, bạn sẻ ghé uống nước ở quán nước dưới cây Dầu đôi, viếng miếu thờ Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong, Miếu Trần Quý Cáp …. Thưởng thức nem chả chợ Thành, viếng Am Chúa (thờ nữ thần Pô Nagar) , hồ Am Chúa sau lưng núi Qua Sơn (Núi Chúa), cánh đồng Đại điền, ngắm con sông Cái hiền hòa (trừ mùa xả lũ).
Trên đường chạy về Nha Trang từ Thành, đừng quên ghé cầu Dứa, nơi cách đây 37 năm thường diễn ra các trân bóng thư hùng giữa các cầu thủ học sinh của các trường Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ … và cũng là nơi luyện tập kỷ thuật nhồi bóng để mong nổi tiếng như Pele,Patini, Zico, Bồn “lừa”….
Giờ nhớ lại những phút quần bóng, tắm sông cầu Dứa… nhớ lại “ Một thời oanh oanh” … nay đã “Liệt”.
Đến Nha Trang , nhớ ghé về thăm (tham quan) Thành.