Hội An

Phố cổ Hội An nằm ở tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, trên bờ Bắc gần cửa sông Thu Bồn, có diện tích 30ha và vùng đệm 280ha. Phố cổ Hội An là một cảng thương mại quy mô nhỏ hoạt động từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, giao thương rộng rãi với cả các nước Đông Nam và Đông Á và với phần còn lại của thế giới. Thương cảng này suy tàn vào cuối thế kỷ 19 nhưng vẫn giữ được quy mô đô thị truyền thống của mình ở một mức độ đáng kể. Phố cổ Hội An phản ánh sự kết hợp của nền văn hóa bản địa và nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản với những ảnh hưởng của châu Âu sau này) để tạo ra sự pha trộn, giao thoa văn hóa độc đáo.
Phố cổ Hội An là một khu phức hợp được bảo tồn bao gồm 1.107 tòa nhà khung gỗ, với tường gạch hoặc gỗ, các di tích kiến trúc, các công trình thương mại, đặc biệt là chợ mở và bến phà và các công trình tôn giáo như chùa và nhà thờ của các gia tộc lớn trong vùng. Những ngôi nhà được lát gạch và các cấu kiện bằng gỗ được chạm khắc với các họa tiết truyền thống, được sắp xếp cạnh nhau thành những hàng chặt chẽ, không bị đứt quãng dọc theo những con phố đi bộ hẹp. Ngoài ra còn có Chùa cầu Nhật Bản bằng gỗ có từ thế kỷ 18. Quy hoạch đường phố từ lúc ban đầu, được phát triển khi thị trấn trở thành một cảng, vẫn còn hiện hữu. Nó bao gồm một mạng lưới đường phố với một trục song song với sông và trục đường phố và ngõ còn lại được đặt vuông góc với nó. Thông thường, các tòa nhà phía trước mặt phố để khách hàng ra vào thuận tiện trong khi mặt sau của các tòa nhà mở ra sông cho phép tàu thuyền dễ dàng bốc dỡ hàng hóa.
Các công trình kiến trúc bằng gỗ còn sót lại và sơ đồ đường phố nguyên vẹn thể hiện một cảnh quan thị trấn truyền thống của thế kỷ 17 và 18 duy nhất trong vùng. Phố cổ Hội An tiếp tục được gìn giữ cho đến ngày nay và hoạt động như một thương cảng và trung tâm thương mại. Các di sản sống phản ánh các cộng đồng đa dạng của cư dân bản địa tại đây cũng đã được bảo tồn và tiếp tục được truyền lại. Phố cổ Hội An vẫn là một điển hình đặc biệt được bảo tồn khá tốt của một thương cảng Viễn Đông.
... Xem thêm ⤋